ĐỌC TRUYỆN

TỰA TRUYỆN: MẶT TRỜI LẶN - TITLE: THE SUN SET


Tác giả: MỘC HƯƠNG



Một tay đưa cao sợi dây diều, một tay cầm cuộn nhợ, Đản vừa chạy thoăn thoắt trên con đường trải đá gồ ghề, vừa giựt giựt sợi dây để lấy trớn cho con diều giấy. Khi diều đã bọc gió, chàng thong thả nhả từng khúc nhợ. Con diều được thả lỏng, từ từ bay vút lên cao.

Thằng Khánh, đứa em trai lên mười của Đản, thích chí la lớn:

-Diều lên rồi! Diều lên rồi! Anh Hai! Đưa đây cho em cầm.

Đản nhả thêm một đoạn dây nữa rồi đưa cuộn nhợ cho em và dặn:

-Em nhả chậm chậm vậy, giữ cho sợi dây căng chớ không thì diều sẽ bị “hụt hơi” mà rớt đó.

Con diều giấy đủ màu, gặp gió chiều, cứ bay lên cao, lên cao riết, cho tới khi mắt Đản không còn phân biệt được màu sắc, chỉ thấy một hình thoi vật vờ, cùng mấy cái đuôi tua lất phất trong ánh nắng tà.

Thằng Khánh say sưa ngó con diều:

-Anh Hai! Con diều mình lên cao nhứt. Diều của anh Hai dán là số một đó.

Đản phì cười. Đối với thằng Khánh, Đản luôn luôn là số một. Nó đâu có biết anh Hai của nó lại “lọt bảng” cái Tú Tài Đôi kỳ này và đang chờ ngày nhập ngũ. Đản đưa mắt nhìn mông lung xa xa. Con đê đất ngoằn ngoèo ngăn cách mấy thửa ruộng xanh như những ô cờ gạch bằng tay không đều đặn. Đám lúa đã đủ cao để trổ đòng đòng, đua nhau ngả thân lả lơi theo gió. Đản hít một hơi dài, mùi phân trâu đâu đây ngai ngái khiến chàng nhớ ra một việc phải làm. Đản móc từ trong túi quần một cái bao giấy, mắt nhìn quanh. Mấy cục phân trâu khô queo nằm trơ trơ sát mé ruộng. Chàng tiến tới, cúi xuống túm một cục phân bự nhứt, tiện tay quơ mấy nắm cỏ khô bên đường bỏ vô bao. Chợt một giọng rổn rển vang lên:

-Về hồi nào vậy Đản?

Chẳng cần quay lại, Đản cũng biết đó là Tốt, đứa bạn thời Tiểu Học. Mỗi lần Tốt cất giọng lên thì y như là bắt loa phóng thanh cho cả xóm cùng nghe. Có lẽ đó là thói quen của những người ở ruộng, phải lớn giọng như vậy thì mới át được tiếng gió của đồng không mông quạnh. Đản bỏ cái túi giấy xuống đất, đi lại gần Tốt và vỗ nhẹ lên vai bạn, nói:

-Khỏe không mậy? Tao về cả tháng rồi. Bây giờ đang chờ đi.

-Đi học lên nữa chớ gì.- Tốt nói giọng tỉnh bơ.

Đản nhìn Tốt từ đầu tới chưn. Từ nhỏ, Tốt đã cao lớn hơn các bạn cùng trang lứa, nay lại càng thấy bậm trợn hơn trong bộ trang phục Nghĩa Quân màu xanh cứt ngựa. Đản vuốt ngược mái tóc bồng rối tung vì gió, lắc đầu:

-Tao nối bước mầy đó.

-Mầy cũng đi sao?- Tốt tỏ vẻ ngạc nhiên.

Đản gật đầu:

-Ừ, có thông cáo rồi, còn vài ngày nữa thôi.

Chưa kịp nói thêm lời nào thì Đản nghe tiếng Khánh la chói lói:

-Anh Hai, có đứa đang câu diều của mình kìa, lẹ lên.

Đản đi mau về phía Khánh. Hai sợi dây diều đã quấn tréo nhau. Chủ của con diều kia đang cố sức thâu dây kéo diều xuống. Bựt! Sợi dây diều của Khánh đứt ngọt. Con diều của Khánh lảo đảo. Con diều kia hạ cánh mất hút sau mấy cây cau, mang theo con diều của Khánh. Thằng nhỏ khóc thét lên:

-Rồi…hu…hu…Chơi gì kỳ vậy…Sao câu diều của người ta…hu…hu…

Đản ôm em vô lòng, dỗ dành:

-Nín đi em, rủi thôi chớ không ai câu diều của em làm gì. Con trai thì không được khóc. Anh Hai sẽ dán cho em con diều khác.

Đản rán thâu dây diều về nhưng sợi dây mắc kẹt đâu đó trong đám ruộng nên kéo hoài không đi. Thấy vậy, Tốt bước tới cầm sợi dây kê lên miệng cắn cho đứt. Tốt vừa đưa cuộn nhợ lại cho Đản, vừa nói mau:

-Chạng vạng rồi, anh em mầy dọn dẹp về cho sớm đi. Lóng rày tối tối tụi “vẹm” hay mò ra lắm. Đêm nay tao đi ngủ đồn, ngày mai tao ra rủ mầy đi ăn khô cá gộc.

Tốt phát lên vai Đản một cái đau điếng rồi quày quả bước đi. Mặt trời xuống rất thấp. Con gà trống “bán thân kê” trên nóc nhà thờ Tin Lành vẫn đứng trơ vơ in hình lên nền trời ráng chiều đỏ thẩm. Bóng cây thánh giá lờ mờ đổ dài trên nền sân xi măng. Cái vùng trời đất này đã ghi bao kỷ niệm một thời ấu thơ của Đản và Tốt. Hai đứa đã đi rong khắp cánh đồng, lùng sục từng ngóc ngách để tìm hang còng, hang dế. Thằng Tốt học không giỏi nhưng trong lớp đứa nào cũng mê nó. Bự con, gan dạ, lại từ trong xã ra học trường quận nên nó luôn là đứa cầm đầu trong các trò chơi ngoài ruộng. Đi bắt dế với nó thì không sợ lộn vô hang rắn. Mà nếu có gặp rắn thì nó cũng hành động mau lẹ. Những lần “đi ruồng bố” trên cánh đồng này, khô cá gộc là thứ “lương” hảo hạng. Năm cắc là mua được một lẻo bằng hai ngón tay. Khô dai dai, có mùi khăng khẳng. Mỗi đứa xé ra một miếng nhỏ, chấm tương ớt rồi mấp mấp cho tới khi miếng mo cau tương ớt sạch cón mà lẻo khô cũng chưa mòn mấy.

Thằng Tốt chỉ học hết Tiểu Học thì nghỉ ở nhà tiếp ba má nó làm ruộng, khi tới tuổi lính thì gia nhập Nghĩa Quân tại xã nhà.

Tốt đi rồi. Đản xách cái túi giấy lên giơ cao trước mặt Khánh:

-Coi nè! Anh em mình có đồ chơi rồi.

-Cái gì trong đó vậy, anh Hai?

Khánh vói tay định chộp cái túi nhưng Đản giựt lại, nói:

-Đợi mai rồi biết. Bây giờ mình về.

Khánh quẹt nước mắt rồi nắm tay anh, lắc lắc:

-Anh Hai nhớ dán cho em con diều khác nghen.

-Ờ! - Đản vò vò đầu thằng bé.

Hai anh em lửng thửng đi về. Con đường Thống Chế Điều Bát vẫn vắng lặng hồi nào tới giờ, nhưng sao hôm nay bỗng dưng Đản cảm thấy hơi rờn rợn khi một ngọn gió thổi lùa qua đám cỏ dại bên vệ đường. Không biết có phải vì lời nói của Tốt không. Đi chừng nửa cây số thì tới trường Trung Học Quận Trà Ôn. Đất ruộng chấm dứt nơi đây. Những mái nhà san sát hai bên đường khiến Đản yên tâm hơn. Về tới nhà thì đã thấy Thủy, đứa em gái út sáu tuổi, đang ngồi chờ chong ngóc trước hàng ba tự bao giờ.

Kể từ khi lên Trung Học, Đản phải ở trên Sài Gòn. Mỗi năm về quê ăn Tết vài ngày rồi lại đi. Chỉ có hè là được về chơi lâu. Những lúc như vậy thì mấy đứa em cứ quấn quít bên Đản suốt ngày. Không chơi trò này, trò nọ thì cũng đọc sách, kể chuyện cho tụi nó nghe. Nảy giờ, Đản đi vắng, chắc Thủy trông lắm, nên vừa thấy Đản là con nhỏ đứng dậy, chạy lại nắm tay chàng, reo lên:

-Anh Hai về. Anh Hai, kể cho em nghe tiếp chuyện anh em Bảnh và Thuận đi anh Hai.

Đản cúi xuống bồng em lên, nói:

-Úi cha! Nặng quá! Chờ anh Hai tắm rửa, ăn cơm rồi mới kể, được không?

Đản tắm xong thì cả nhà đang quây quần bên mâm cơm. Chàng vừa ngồi xuống là gắp liền một con cá bống kèo kho tiêu bỏ vô chén cơm. Đản cắn ngang bụng con cá, cái bụng mềm, béo và có vị nhẫn nhẫn từ mật cá làm cho chàng ăn tới phát ghiền.

Thấy con ăn mải mê, Má Đản âu yếm nhìn, hỏi:

-Cá kèo ngon không con?

Đản ngước lên, trả lời:

-Dạ, béo lắm, Má.

Má Đản quay qua đứa em gái kế của chàng:

-Thấy không, Yến? Con chỉ cần vùi cá kèo vô tro bếp, làm sạch nhớt bên ngoài là đủ, còn đầu đuôi, nhứt là ruột gan phải để nguyên. Cá kèo còn mật khi kho mới mềm, mới béo. Nếu không, con cá chai ngắc, không có ngon.

Yến trả lời dịu dàng:

-Dạ, Má.

Má Đản lại quay qua Đản:

-Ăn nhiều nữa đi con. Đi lính rồi sẽ thiếu thốn đủ thứ.

Nói chưa hết câu mà Má Đản đã rưng rưng nước mắt. Ba chàng trầm ngâm, hỏi:

-Bữa nào con đi?

Đản ngưng đũa, trả lời:

-Dạ mùng sáu, Ba.

-Vậy là ngày mốt hả?- Ba Đản nhíu mày.- Sao con không trình diện ở Cần Thơ cho gần?

Đản trả lời:

-Dạ, con tính lên Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ ở Quang Trung trình diện để nhân tiện ghé Sài Gòn lấy mấy món còn gởi lại nhà trọ.

Ba Đản gật gù:

-Vậy sao. Con sửa soạn gì chưa?

Má Đản chen vô:

-Tôi đã sắp soạn cho nó đầy đủ rồi. Mình đừng lo. Ờ, Đản. Con nhớ mài mấy cây dao cho Má nghen.

Bỗng, có tiếng Khánh la lên:

-Anh xí trước.

Thủy cũng la theo:

-Em xí trước. Em đã thấy nó hồi còn trong nồi lận.

Hai đứa đang giành nhau bọc trứng cá trong tô canh. Yến thấy vậy, đưa đũa gắp cái bọc trứng và nhẹ nhàng nói:

-Hai đứa không được um sùm. Để chị Ba cắt nó ra làm hai, chia đều, chịu chưa?

Như vậy, hai đứa mới chịu im. Ăn xong, Ba Đản ra trước hàng ba hút thuốc. Yến tiếp Má dọn dẹp, rửa chén. Hai đứa nhỏ tranh nhau kéo Đản tới chiếc võng giăng ngang hai cây cột giữa nhà, Thủy reo lên:

-Anh Hai kể chuyện tiếp đi, anh Hai.

Đản ngồi giữa, hai đứa em ngồi hai bên. Chàng vừa đung đưa chiếc võng, vừa kể:

-Tới đoạn: Bảnh và Thuận đi một quãng xa mới tới nhà bác Thông Thái. Thấy cửa không khóa, hai anh em xô cửa bước vô rồi đi một vòng trong nhà nhưng không thấy bác Thông Thái đâu. Cả hai đều khát nước quá. Thuận chợt thấy có ly nước chanh trên bàn, bèn bưng lên uống ừng ực rồi đưa phần còn lại cho anh. Bảnh uống xong, bỗng dưng, cả hai anh em từ từ nhỏ lại, nhỏ lại, còn bé xíu…

-Muổi cắn quá, anh Hai.- Thủy gãi lia, gãi lịa.

-Yên! Để anh Hai kể.- Khánh gắt.

Đản nắm tay hai em kéo dậy:

-Mình lên ván bỏ mùng xuống đi, cho muổi không cắn.

Ba anh em nằm sắp lớp trên bộ ván. Đản tiếp tục kể chuyện cho em nghe. Nhưng chỉ được một lát thì hai đứa nhỏ ngủ khò. Đản nhè nhẹ vén mùng đi ra. Yến ngồi nơi bàn học chăm chú nhìn vô cuốn tập đang mở, thấy Đản đi ngang thì ngó lên, nhăn mặt:

-Bài toán này khó quá, anh Hai giải tiếp em đi.

Đản ngồi xuống giảng cho Yến bài đại số. Xong, chàng nói:

-Để kỳ này anh Hai ghé Sài Gòn mua cho em cuốn sách Bài Giải Đại Số Đệ Ngũ.



Yến mừng rỡ:

-Thiệt hả anh Hai? Vậy là em đỡ lo rồi.

Đản hạ giọng:

-Mấy hôm nay em có gặp Duyên không?

Yến cười tủm tỉm:

-Em không gặp, nhưng em biết chiều nào chị Duyên cũng giặt đồ ngoài bờ sông.

Đản gật đầu rồi vuốt tóc Yến:

-Em đi ngủ đi. Mai còn dậy sớm đi học.

Yến xếp sách lại, vô ngủ chung mùng với hai đứa nhỏ. Đản tới gần chiếc ghế bố xếp dựa bên vách, mở ra, đặt kế bên bộ ván. Chàng lần lượt cắm từng cây giăng mùng vô bốn cái lỗ ở bốn góc chiếc ghế bố rồi giăng cái mùng vải lên. Vừa chợp mắt chưa được bao lâu thì Đản giựt mình vì nghe có vài tiếng súng nổ xa xa. Càng lúc càng có nhiều tiếng súng hơn. Chàng vén mùng ngồi dậy. Lại đụng trận ở xã nào rồi. Dù chưa ra trận lần nào, nhưng Đản đã khá quen với những tiếng súng này đến nỗi có thể phân biệt được tiếng nào là của phía bên kia. Tiếng súng AK nổ hỗn cho dân lành thêm khiếp sợ. Má Đản cũng thức giấc, lên tiếng:

-Sao nghe gần quá vậy?

Tiếng Ba Đản ậm ừ trong họng, rồi ngáy tiếp tục. Mấy đứa nhỏ giựt mình, ngồi dậy nhớn nhác, rồi lại lăn ra ngủ say sưa.

Pháo binh quận bắt đầu bắn yểm trợ. Tiếng “đề ba” ầm vang, tiếng đạn bay u u nối tiếp, rồi một tiếng “ịnh” nổ nghe xa xôi, mơ hồ. Đản vẫn ngồi, hai tay để hai bên đùi, nắm chặt sườn ghế bố. Đản cảm thấy mình dứt khoát hơn, mạnh dạn hơn. Chàng nguyện đi, cho tới ngày quê hương im tiếng súng.

Đản vô mùng nằm. Gần hai giờ sáng, tiếng súng thưa dần rồi cuối cùng im hẳn.

Đản ngủ lại được vài tiếng đồng hồ thì trời sáng. Đản uể oải ra khỏi mùng. Chàng cố ý không ăn sáng chung với gia đình để chờ rủ Tốt đi ăn cháo lòng ngoài chợ. Nhưng chờ hoài không thấy Tốt tới. Cái thằng chết bầm này lại hứa lèo. Mất dịp này thì còn lâu lắm nó mới moi túi chàng được. Đản ăn qua loa một chút cháo với nước mắm kho quẹt, rồi lấy mấy con dao ra mài. Cái miếng đá mài dao xài lâu ngày trở nên mỏng dính, Đản mới mài tới con dao thứ hai thì miếng đá đã gãy làm đôi, đành phải bỏ nửa chừng. Dọn dẹp đồ đạc xong thì mấy đứa nhỏ đi học về tới. Ăn chưa rồi bữa cơm, Khánh đã nhắc:

-Anh Hai nhớ cái túi đồ chơi hôm qua nghen, anh Hai. Chừng nào mới chơi?

Đản bật cười:

-Nhớ dai dữ ta. Rồi, trưa nay.

Vậy là thằng Khánh sẵn sàng bỏ giấc ngủ trưa để theo anh Hai nó. Hai anh em dẫn nhau ra khoảnh sân đất trước nhà. Đản đã thủ sẵn một cái mủng vùa và một cái lon sữa bò không. Chàng trút hết những thứ lấy được ngoài ruộng từ hôm qua ra đất, rồi bật hộp quẹt. Đợi cho cỏ khô bén lửa, Đản lấy cái mủng vùa úp lên. Mớ cỏ ngộp hơi, khói bay mịt mù. Thằng Khánh cay khói, chảy nước mắt ràng rụa:

-Chơi cái này coi bộ không vui, anh Hai.

Đản cầm cây chổi tàu cau trong tay, nói:

-Ậy, chưa gì hết mà, em chờ coi.

Mùi khói phân trâu bay tỏa ra. Một lúc sau, có tiếng vo ve. Trên không, một bầy côn trùng đang bay tới ào ào. Đản quơ chổi đập. Trúng con nào, rớt xuống đất con đó. Đản đá cái lon sữa bò về phía Khánh, la lên:

-Mau lượm bỏ vô lon, để nó tỉnh dậy bay mất hết.

Được một lát, Khánh lính quýnh chạy tới bên Đản:

-Đầy rồi, anh Hai ơi.

Đản ngưng tay, thở hổn hển:

-Đủ rồi.

Đản tưới nước dập lửa rồi kiểm lại “chiến lợi phẩm”, miệng lẩm bẩm:

-Bọ rầy…quăng…bọ rầy…quăng…

Mấy con bọ rầy được quăng ra từ từ tỉnh lại, bay vụt đi trối chết. Cuối cùng thì Đản bốc được một con đen thui, bóng lưỡng, bự gấp hai con bọ rầy. Chàng reo lên:

-Đây rồi! Có vậy chớ. Sao mà thoát khỏi tay ông.

Khánh nhón chưn lên, trố mắt nhìn con côn trùng, hỏi:

-Con gì vậy, anh Hai?

Đản hạ cánh tay xuống cho em có thể coi rõ, nói:

-Con kiến vương. Uổng quá, chỉ có một con thôi. Phải chi có hai con thì mình cho tụi nó đua nhau. Kệ! Cũng đủ rồi. Đi! Mình vô nhà.

Khánh vừa theo anh vô nhà vừa đưa tay lên mũi hửi hửi:

-Mùi bọ rầy hôi quá.

Đản bỏ con kiến vương trở vô lon sửa và kéo cái nắp đậy lại. Xong, lấy dây kẽm quấn thành hai vòng như chiếc chiến xa thời La Mã. Chàng bắt con kiến vương ra, lật ngữa lên và kẹp hai cái cánh cứng của nó vô hai vòng kẽm, rồi bỏ lên bộ ván. Con kiến vương rán đập cánh để thoát khiến cho “chiến xa” di chuyển vòng vòng. Mấy cái cánh mỏng không bị kẹp, quạt lia quạt lịa coi rất đẹp. Khánh thích chí, vừa vỗ tay, vừa la rân trời đất:

-Hay quá! Hay quá!

Thủy đang ngủ trưa, giựt mình, mở mắt ngơ ngác, muốn nổi quạu. Nhưng khi thấy cái đồ chơi ngộ nghĩnh này, Thủy cũng nhào vô tham dự. Cứ hể chiếc “chiến xa” bị kéo ra gần mép bộ ván, sắp rớt xuống đất, thì lôi nó vô giữa. Thấy hai đứa chơi say mê, Đản ra sau nhà lấy cái cuốc nhỏ, đi tới mấy gốc bạc hà, ngồi xuống đào trùng. Nhìn mấy con trùng đất ngo ngoe trong lon sữa bò, Đản mỉm cười, chiều nay chàng sẽ đi câu cá, nhưng nhứt định không dẫn thằng Khánh theo.

Nhơn lúc Khánh và Thủy mải mê với con kiến vương, Đản len lén mang cần câu và lon trùng đi ra bên hông nhà, rồi nhảy lên chiếc xe đạp của Ba Đản, vọt lẹ tới bờ sông. Đạp xe mới tới Ngã Năm, ngang qua cái mả lớn thì xe sút sên. Đản xuống xe, vừa mằn mò gắn lại sợi dây sên, vừa chặc lưỡi:

-Sên giãn quá. Kỳ này phải mua cho “ông già” bộ sên mới.

Đản tới bờ sông cái thì mặt trời vẫn còn cách mấy sào. Nước lớn, mặt sông phẳng lặng như bụng một con bò khổng lồ đang nằm phình chướng sau bữa ăn no nê. Đản móc một con trùng vô lưỡi câu, lấy trớn quăng ra xa rồi cắm cần câu xuống đất, ngồi đợi. Lần này, không phải đợi cá cắn câu mà là đợi Duyên đi giặt đồ. Nắng đã dịu, Duyên cũng vừa xuất hiện, một tay nách cái thau nhôm, một tay xách cái sô thiếc. Nhìn thấy Đản, Duyên cười nửa miệng:

-Anh đi câu sớm quá vậy.

Đản mỉm cười, không nói. Duyên đi thẳng xuống cầu sông, bắt đầu giặt giỵa. Đản nhìn lơ ra đầu cầu, nhưng thiệt sự là liếc nhìn Duyên. Gương mặt chữ điền, làn da hơi trắng xanh. Mái tóc dài được kẹp gọn gàng thả sau lưng. Hồi nhỏ, hai đứa học trường Tiểu Học Quận nhưng trai và gái không cùng lớp. Tuy nhiên, mỗi ngày đi học chung lối riết thành quen mặt. Hết Tiểu Học, Đản lên Sài Gòn, Duyên ở lại quận, tiếp tục học tới Đệ Tứ thì nghỉ ở nhà tiếp cha mẹ coi sóc các em. Cứ mỗi khi về quê, được gặp lại Duyên, ngó Duyên từ từ lớn lên, trở thành một cô gái thùy mị, lòng Đản ngày thêm xao xuyến và chàng thầm mơ.

-Cá cắn câu kìa, anh Đản.- Tiếng Duyên lẩn trong tiếng gió sông làm Đản giựt mình.

Đản kéo cần câu lên, gở con cá ra, quăng nó lại xuống sông. Nắng sắp tắt, Duyên giặt giũ xong, sửa soạn đi về. Đợi Duyên đi ngang, Đản mới nói:

-Sáng mai tôi đi rồi, Duyên ở lại mạnh giỏi.

Duyên dừng chưn, giọng nhẹ nhàng:

-Mấy bữa nay em có nghe Dì Năm nói với Má em.

Đản hít vô một hơi mạnh cho đủ sức để nói hết một lời:

-Tôi đi, mai mốt sẽ về. Duyên…

Đã chuẩn bị như vậy rồi mà còn không đủ hơi. Đản cảm giác như có cái gì chận ngang cổ họng, làm câu nói tắt nghẽn.

Duyên cúi đầu chờ đợi nhưng không nghe Đản nói gì thêm nên dợm bước đi:

-Trễ rồi, em về nghen. Anh đi đường bình an.

Nhìn theo dáng Duyên dần dần xa, Đản thầm tức tại sao mình không nói được trọn lời. Chỉ còn có ba chữ “đợi tôi nghe” mà đã đứt hơi nửa chừng. Đản ngồi tạ xuống kế bên chiếc xe đạp. Nắng đã tắt. Trăng thượng tuần đang treo lơ lửng trên vùng trời trước mặt. Mảnh trăng non mỏng manh như cái lưỡi câu bằng bạc, không biết mọc tự lúc nào, mà khi trời vừa đủ tối để thấy được nó thì nó lại đủng đỉnh đi xuống. Càng đi xuống, cái lưỡi câu bạc đó càng dày hơn và trở màu óng ánh coi giống như một cái lưỡi hái bằng vàng. Trời càng tối, trăng càng xuống thấp và cuối cùng mất dạng sau mấy lùm cây của cù lao Mây bờ bên kia sông. Ví như mối tình thầm kín của Đản dành cho Duyên, chỉ vừa mới chớm đã vội chia lìa. Đản đứng dậy dắt xe đi về. Đêm nay là đêm cuối.

x



Những tuần huấn nhục ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung dài như bất tận, cuối cùng rồi cũng qua. Ai nấy đều háo hức khi được chuyển qua Thủ Đức. Trong lòng mỗi tân binh, ngày Lễ Gắn Alpha là một ngày trọng đại. Vì nó không chỉ bao hàm một cái “lon alpha” trên áo, để từ một tân binh trở thành một Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, mà còn gồm cả những ngày phép cuối tuần. Lòng Đản thiệt nôn nao cho lần phép đầu tiên. Thằng bạn nằm giường kế bên nói:

-Mầy kiếm đứa nào có thân nhân ở Sài Gòn mà đi ké về nhà nó. Chớ rong ruổi ở ngoài đường cho hết phép như tao kỳ rồi, mầy sẽ thấy ngày dài khủng khiếp. Ê! Hình như tuần này rạp Rex chiếu phim hay lắm, nhớ đi coi, về kể lại tao nghe với, mậy.

Kiếm ai bây giờ, mà cũng phiền người ta. Đản thầm dự tính những chỗ để đi.

Chỉ kịp chờ cho chiếc GMC ngừng lại bên đường Phùng Khắc Khoan là các Sinh Viên Sĩ Quan vội vàng nhảy xuống xe. Một rừng áo ka ki vàng túa ra mọi nẻo. Có những gương mặt đôi chút chững chạc của các sinh viên đã qua vài ba năm Đại Học. Cũng có những gương mặt hãy còn non choẹt, vừa rời ghế Trung Học, như Đản. Nhưng cái đầu tóc húi cao, cái làn da rám nắng đã tạo cho tất cả bọn họ vẻ rắn rỏi, hiên ngang lạ thường, khác hẳn những chàng trai đô thị, khiến các cô gái qua đường không khỏi ngoáy lại nhìn.

Đản tách khỏi đám đông, thả bộ dọc theo đường Phùng Khắc Khoan, băng qua Phan Đình Phùng. Sân sau Hội Việt Mỹ lao xao với các lớp cắm hoa, hội họa. Một nhóm học viên miệt mài trước những giá vẽ đặt quanh cô người mẫu đang ngồi im như pho tượng. Cái cổng sau này, bao lần Đản đã ra vô suốt thời gian học Anh Ngữ từ lớp Hai cho tới lớp Mười Lăm.

Gặp đường Tự Đức, Đản quẹo trái để ra Hai Bà Trưng, đi về phía Tân Định. Lề đường ngang qua Đất Thánh Tây đầy bụi cát, Đản đã đi mòn chưn trong những tháng ngày Trung Học. Qua khỏi Hiền Vương, Đản không quên liếc mắt nhìn vô tiệm hòm Tô Bia, để thử coi có thấy thấp thoáng cái dáng mặc “mini jupe” của cô con gái bà chủ tiệm không. Hôm nay chúa nhựt, cô nàng đã đi dạo phố hay bận rước lễ cùng các con chiên đang tề tựu đông vầy trong nhà thờ Tân Định bên kia đường. Hoặc là vẫn còn nằm nướng, ngủ bù cho một cuộc nhảy đầm thâu đêm thứ bảy.

Đản không khỏi bồi hồi khi quẹo vô con đường Đinh Công Tráng nhỏ hẹp, vừa đi vừa nhìn quanh nhìn quất, cố tìm một gương mặt thân quen còn sót lại. Ngôi trường Les Lauriers nơi cuối đường thiệt lặng lẽ trong ngày nghỉ. Hai cánh cổng khép im lìm, ba dãy lầu quạnh quẽ. Chiếc cầu thang bên phải hẹp, chỉ vừa một người đi, như còn in bóng dáng bạn bè những giờ tan học. Văng vẳng từ trong ký ức tiếng nói cười hồn nhiên của một thuở học trò ôm nhiều mơ ước. Chỉ có vài tháng xa rời sách vở mà trường lớp đã cách biệt ngút ngàn. Từ quán cà phê nhạc đối diện trường vang lên một ca khúc của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh: “…thành phố sau lưng ôm mộng ước gì, tôi là người vui chinh chiến dài lâu, nên mộng ước đầu tôi nghe đã chìm sâu…”. Đản rồi sẽ vui chinh chiến. Đản rồi sẽ chôn vùi bao mộng ước tuổi thanh xuân.

Chưa kịp quẹo qua Lý Trần Quán thì đã nghe tiếng gọi:

-Ê! Ê…

Đản nhìn vô cửa hông của quán nước nơi góc đường. Một người đàn ông ốm lỏng khỏng đang đưa tay ngoắc ngoắc. Tuy không hứng thú lắm, nhưng Đản vẫn ngừng lại. Dầu sao, từ sáng tới giờ, đây cũng là người quen biết đầu tiên gặp được. Đản vừa bước lên mấy bực thềm, vừa nói:

-Quán khá không, chị Bảy.

“Chị Bảy”, học trò vẫn quen gọi người đàn ông này như vậy, nhe miệng cười, để lộ mấy cái răng xếu xáo:

-Cũng được. Sương sa hột lựu nhe?

Đản kéo cái ghế đẩu, ngồi xuống, nói:

-Nước đá chanh đi, chị Bảy.

“Chị Bảy” cầm cục đá mỏng trong lòng bàn tay. Tay còn lại cầm một cái muổng lớn, đập cho cục đá bể nhỏ ra, bỏ vô ly nước chanh, rồi bưng lại cho Đản. Thiệt tội nghiệp cho đôi bàn tay đỏ ửng vì phải chịu lạnh, chịu ướt quanh năm. Da tay lúc nào cũng sần sùi, lở lói.

Đản quậy ly nước cho tan đường rồi uống một hơi. Đi ngoài nắng nảy giờ, có được một ly đá chanh như vầy thiệt quá đã. Đản vừa uống vừa trao đổi với “chị Bảy” mấy câu bâng quơ. Xong ly nước, chàng móc tiền ra trả. “Chị Bảy” khoát tay:

-Thôi! Lâu lâu cậu mới về mà. Đâu có bao nhiêu.

Có mấy đứa nhỏ lăng xăng vô mua nước đá nhận xi rô. Nhơn lúc “chị Bảy” bận rộn, Đản dằn tiền dưới đáy ly, rồi đứng dậy chào “chị Bảy”:

-Tôi đi nghe, chị Bảy.

“Chị Bảy” cười toe toét:

-Khi nào về nhớ ghé chơi nhe.

Đản gật đầu, sửa lại cái nón, rồi cất bước. Con đường Lý Trần Quán với những căn nhà nối tiếp cho chàng cảm giác như bạn bè lẩn quẩn đâu đây. Không biết còn lại là những đứa nào, học hành ra sao. Đản ngập ngừng đôi chút nơi cửa nhà trọ cũ.

Đi không xa đã thấy đường Trần Văn Thạch chắn ngang. Rạp chiếu bóng Kinh Đô lình xình gợi bao kỷ niệm của mấy ngày lớp tan sớm. Nơi đây, bọn học trò đã cùng nhau trút hết sinh lực trai trẻ lên những cú quyền cước của Lý Tiểu Long, của Khương Đại Vệ. Càng tiến gần về phía chợ Tân Định, phố xá càng náo nhiệt. Một bà bán bánh cuốn lên tiếng mời:

-Bánh cuốn chả lụa đây, cậu.

Bà bán bánh cuốn cầm cái cống mù u, chan nước mắm ớt đỏ ối lên dĩa bánh cuốn trắng phau, coi phát thèm. Nếu không có bộ quân phục tề chỉnh này trên mình, nếu không có mấy cô gái nhỏ vây quanh sạp bánh cuốn đang ngước lên ngó Đản, chàng đã ngồi sà xuống và “làm” một dĩa. Thôi thì vòng qua Hai Bà Trưng, ghé xe bánh mì Ba Lẹ, mua một ổ bánh mì thịt cầm theo, để vô rạp “ciné” gặm.

Quãng đường từ chợ Tân Định trở lại Phan Đình Phùng gần xịt như vậy mà thời đi học Đản thấy xa làm sao. Có lẽ bây giờ đôi chưn của chàng đã được quân trường tôi luyện phần nào. Đản đi xuyên qua Phan Đình Phùng để tới Duy Tân. Chàng ngước mắt nhìn lên hàng cây cao bóng mát. Những trái dầu xoay xoay trong gió như chong chóng, rồi đáp xuống đám lá khô nghe lạc xạc. Ngôi Trường Luật được sửa lại một phần, coi cũng bớt cũ kỹ. Hai chữ Đại Học bây giờ với Đản đã thiệt sự xa rời. Ước vọng học hành nay như những trái dầu, trái sao, xoay vòng vòng trên không rồi cuối cùng cũng rơi xuống đất.

Băng qua Hồ Con Rùa, Đản cố tránh không nhìn những cặp tình nhân đang ngồi sát bên nhau trên yên xe Honda, Yamaha, cùng nhau âu yếm, tình tự. Tiếng chuông Nhà Thờ Đức Bà vang vọng, lễ tan, con chiên đang lục tục ra về. Đồng hồ Bưu Điện Sài Gòn chỉ mười hai giờ. Đản rảo bước mau hơn cho kịp xuất hát trưa.

Khi Đản tới trước rạp Rex thì hàng người chờ mua vé đã dài thoòng. Đản vội vàng xếp hàng nối theo. Nghe đâu phim này được nhiều giải thưởng điện ảnh nên thiên hạ đổ xô đi coi. Lòng vòng rồng rắn một hồi cũng vô được tới gần cửa sổ bán vé, còn một người nữa thì tới phiên Đản. Bất chợt chàng nghe một cô gái nói nho nhỏ:

-Trời! Xui quá. Phải đợi tới ba tiếng đồng hồ mới có xuất sau.

Đản quay qua, cô gái này đứng sát bên Đản nhưng ở vòng ngoài, cách bởi một sợi dây thừng, và đang bị chận lại vì vé không đủ cho tới lượt cô. Nhìn nét mặt thất vọng của cô mà thấy tội. Đản lên tiếng:

-Để tôi mua giùm cho.

Cô gái lẹ làng đưa cho Đản mấy tờ giấy bạc năm trăm:

-Anh mua giùm bốn vé.

Đản mua vé xong, đi ra trao bốn cái vé và tiền thối cho cô gái. Cô này đi với ba cô nữa. Một cô trong bọn coi khá cao ráo, nói:

-Cám ơn anh.

Mọi người lục tục kéo vô trong.

Vì mua vé trễ nên phải ngồi hàng trên cùng. Coi xong cái phim dài ba tiếng đồng hồ này chắc đơ cổ luôn, vì ngồi gần quá. Tuy vậy, Đản cũng đã lịch sự nhường cho mấy cô gái những chiếc vé gần giữa hơn, Đản giữ lại chiếc vé ngoài bìa cho mình. Bốn cô gái không ngồi xuống liền mà lấn cấn đổi qua đổi lại giữa mấy cái ghế, không biết có phải vì cô nào cũng muốn ngồi gần giữa hơn, hay vì ngại ngồi kế Đản. Cuối cùng thì cô gái cao ráo khi nảy nói:

-Thôi được rồi, để em ngồi đây cho.

Rồi cô ngồi xuống chiếc ghế cạnh Đản.

Màn ảnh bắt đầu chiếu quảng cáo, tiếp theo là phim thời sự. Khi vô phim chánh thì Đản cũng đã gặm xong khúc bánh mì Ba Lẹ. Một thằng bé bưng thùng cà rem tới mời. Mấy cô gái mua cà rem Esquimo, chuyền cho nhau. Cô gái cao ráo đưa cho Đản một cây:

-Nè anh.

Đản hơi ngần ngừ rồi cầm lấy. Cũng được, coi như đền công mua vé giùm, ăn xong bánh mì cũng đang khát nước. Phim mới bắt đầu mà đã có mòi gay cấn. Đản vừa mở giấy cây cà rem vừa nhìn lên màn ảnh. Vô hình chung, một nửa mặt cô gái ngồi cạnh lọt trong tầm nhìn của Đản. Hàng mi cong cong, sống mũi cao cao. Dường như đối với cô, giờ đây trên thế gian này chỉ còn có cây cà rem và cái màn ảnh chiếu bóng.

Phim nói về thế chiến thứ hai. Đản khám phá ra là không phải chỉ bọn con trai mới thích coi phim hành động, mà ngay cả mấy cô gái cũng bị lôi cuốn bởi những màn hiểm nguy đầy hồi hộp. Chiến tranh nào không tàn khốc. Cái chết tới thiệt bất chợt như một cơn lốc. Những người lính nhảy dù vướng trên mấy cành cây, bị địch bắn, chết treo lơ lửng, coi quá thương tâm. Cô gái ngồi cạnh hít mũi, rồi đưa tay quẹt nước mắt. Không biết học được thói nịnh đầm từ lúc nào, Đản rút khăn tay trong túi ra, đưa cho cô gái. Cô quay lại nhìn Đản rồi cầm chiếc khăn tay, đôi mắt đẫm lệ. Cầu xin nàng đừng hỉ mũi vô khăn của Đản.

Phim kết thúc khi quân đội Đồng Minh hoàn thành cuộc đổ bộ lên bờ biển Normandie. Khán giả đứng dậy thở ra nhẹ nhõm. Ba tiếng đồng hồ quá dài như tựa phim. Đản theo dòng người lũ lượt ra về. Con đường Lê Lợi quẹo qua Tự Do dập dìu nam thanh nữ tú. Đây đó, những tà áo dài thướt tha, những chiếc “mini jupes” tung tăng, những ống quần “patte d’éléphant” bó chẽn đầu gối. Mấy chàng trai tóc dài theo kiểu “hippi” nói cười, bàn tán sôi nổi, ra vẻ hả hê sau khi coi xong một phim gay cấn nổi tiếng. Có bao giờ họ suy tư tới một ngày chính họ sẽ gánh những “vai diễn” đó trên lưng, giống như Đản trong những ngày sắp tới.

Đản theo đường Nguyễn Du ra Hai Bà Trưng. Tới đầu đường Trần Cao Vân thì ông mì gõ cũng vừa bày xong mấy cái ghế xếp trên lề bên hông nhà thuốc tây. Đản kêu một tô mì sợi nhỏ, thêm một dĩa xí quách. No nê rồi, bây giờ thì yên chí trở lại Phùng Khắc Khoan để về Thủ Đức.

Đản leo lên xe, loay hoay định ngồi xuống thì nghe tiếng gọi:

-Anh! Anh…

Vài đứa bạn trên xe rắn mắc, vừa tự vỗ lên ngực, vừa la lớn:

-Anh nè! Anh nè!

Đản nhìn xuống. Thiệt bất ngờ. Bên kia đường là bốn cô gái mà Đản đã gặp trong rạp “ciné”. Cô gái cao ráo cầm cái khăn tay của Đản đưa lên cao và bước tới. Nhưng chiếc GMC đã chuyển bánh, Đản khoát tay cho cô gái lui lại. Chiếc xe lên đường. Đản ngoái nhìn, môi mỉm cười. Các cô nhìn theo xe, mắt ngơ ngác. Mấy thằng ôn dịch đâu dễ gì tha cho Đản, đứa bứt tóc, đứa nhéo tai chàng, tra hỏi:

-Thằng này giỏi thiệt. Giới thiệu bớt một cô cho tao đi, mậy.

Cả bọn trên xe cười vang. Xe ra xa lộ. Mặt trời từ từ lặn. Ngôi tượng Tiếc Thương gục đầu lặng lẽ bên Nghĩa Trang Quân Đội. Đản đã qua ngày phép đầu tiên, chưa tới nỗi “dài khủng khiếp” như thằng bạn cảnh cáo. Đản sẽ kể lại cho nó nghe chuyện phim chàng coi hôm nay tại rạp Rex: Le Jour Le Plus Long. Cái ngày dài nhứt chàng có được cũng chỉ mới như vậy thôi, là mất tiêu chiếc khăn “mouchoir” cho một cô gái lạ.

x

Đản lui cui cắt tỉa mấy bụi bông hồng. Cả tháng nay, hãng “lay off” bớt nhân sự nên những người còn lại phải làm choàng công việc khiến chàng bận túi bụi. Tuần này mới được rảnh tay một chút. Đản đang cố gắng dọn sạch sân sau thì Hảo, vợ chàng từ trong nhà bước ra, gọi:

-Nghỉ đi anh. Vô ăn cơm, trễ quá rồi.

Đản quay lại nhìn vợ, nói:

-Mấy giờ rồi mà trễ? Để anh rán làm cho xong. Chớ tuần sau phải đi làm “overtime”, rảnh đâu mà dọn dẹp.

Hảo cằn nhằn:

-Có rán cũng không xong được, hơn bảy giờ rồi đó anh, nghỉ ngơi đặng mai còn đi làm sớm, bữa khác dọn tiếp.

Nói xong, Hảo trở vô nhà, Đản nhìn theo vợ, cái dáng cao ráo ngày nào có hơi tròn trịa ra một chút, nhưng cái tật cằn nhằn vẫn không thay đổi.

Đản gom đám lá cây bỏ vô bao. Xuân mãn, hạ sắp sang, gần tám giờ mà bầu trời vẫn còn sáng trưng. Gió thổi nhè nhẹ, mấy cây bông dại bồ công anh rung rung như đang chế nhạo Đản. Chàng thở ra, lầm bầm một mình:

-Lại làm không xong.

Hình như làm không xong là chuyện thường tình của Đản. Có những chuyện không xong còn bù đắp được, cũng như Đản đã mua cho thằng Khánh chiếc xe hơi chạy “pin” để thế con diều giấy , mua cho bé Thủy cuốn truyện Alice Trong Xứ Sở Kỳ Lạ, mua cho Yến cuốn Giải Bài Tập Đại Số Lớp Chín, mua cho Má một bộ dao khác, mua cho Ba chiếc xe đạp mới. Nhưng có một chuyện mà chàng không bao giờ còn dịp thực hiện, là đi ăn khô cá gộc với thằng Tốt. Vì nó đã tử trận ngay cái đêm hôm đó, khi đồn Nghĩa Quân bị tấn công. Thằng Tốt suốt đời mang tiếng hứa lèo.

Còn chuyện với Duyên nữa. Một câu hẹn ước nói cũng không xong. Chỉ vài tuần sau khi nhập ngũ, Má chàng lên thăm và hỏi:

-Nghe con Yến nói con mến con Duyên, phải không? Tuần rồi có người bên Cái Côn qua bỏ trầu cau, anh chị Tám nhận rồi.

Đản cúi đầu nhìn xuống đôi giày lính đánh bóng lộn. Má Đản nắm tay chàng an ủi:

-Con đừng có buồn. Con gái người ta lớn rồi, có chỗ hỏi thì phải gả. Không phải duyên số của mình.

Đản không tin duyên số theo lời Má chàng cũng không được. Bằng chứng là chiếc khăn “mouchoir” của chàng, tưởng đã mất biệt về tay cô gái lạ trong rạp chiếu bóng. Không ngờ, trong lần nghỉ phép sau, khi Đản vừa nhảy xuống khỏi chiếc GMC thì đã thấy cô gái cao ráo đó đứng đợi từ hồi nào. Cô đưa chiếc khăn lại cho Đản, nói rất tự nhiên:

-Tuần rồi Hảo có ra đây đợi, nhưng không thấy anh. Cho Hảo gởi trả lại anh cái khăn, cám ơn anh nhiều lắm.

Chiếc khăn đã được giặt sạch, ủi thẳng và xếp lại ngay ngắn. Đản cầm lấy và mỉm cười:

-Không có gì, phiền cô quá, vật nhỏ mà. Tôi chỉ được nghỉ phép cách tuần.

Mấy thằng bạn phá phách hôm đó bỗng trở nên lịch sự vô cùng. Chúng chỉ nháy nháy mắt rồi đi tuốt. Hảo, tên cô gái, nhanh nhẩu nói:

-Nhà Hảo bên đường Mạc Đỉnh Chi, anh ghé qua uống chút nước.

Gia đình Hảo cũng xuất thân ở Miền Tây, nhưng lên Sài Gòn khá lâu. Họ thiệt thà, cởi mở. Đản chỉ ngồi chơi một chút rồi đi. Nhưng về sau thì đây là “thân nhân ở Sài Gòn” của Đản để chàng có thể “ké” trong những lần về phép. Cũng tới mấy năm trời Đản mới trở thành rể của nhà này.

Đản cầm cái cuốc và cái kéo cắt cây đi cất. Việc gì cũng không xong. Nhưng có một việc Đản dám đoan chắc là chàng đã làm tròn. Tay súng bảo vệ quê hương, Đản đã ôm giữ cho tới giây phút chót. Đản vô nhà, khép cửa lại. Vài chiếc “satellites” lấp lánh trên bầu trời đã tối hẳn.





Mộc Hương



Viết xong ngày 6 tháng 6 năm 2010.

Viết cho những ngày tháng sáu. Ngày mười chín kiêu hùng. Ngày hai mươi bốn bất khuất. Ngày Father’s Day ngọt ngào.

Kính mến gởi về Các Anh. Riêng tặng Đản, anh Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức đã mua giùm những chiếc vé phim Le Jour Le Plus Long.